Trên thực tế, đã có khá nhiều chuyên đề giáo dục đáp ứng được mục tiêu, trong đó nổi bật là chuyên đề: Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non và xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Chuyên đề giáo dục phát triển vận động – trẻ được phát triển thể chất lành mạnh
Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non được ngành giáo dục triển khai thực hiện từ năm học 2013-2014 đến năm học 2015-2016. Đây là chuyên đề được đánh giá cao về nội dung, mục tiêu hướng tới khi giúp cho trẻ có cơ hội được phát triển vận động một cách cân đối, toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, khơi gợi và phát huy tốt các tố chất vận động để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non đối với các độ tuổi cũng như các chỉ số phát triển thể chất trong bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi… Chuyên đề được áp dụng cho trẻ từ 24-36 tháng và trẻ mẫu giáo.
Các cháu lớp 4 tuổi Trường Mẫu giáo Họa Mi thích thú với giờ dạo chơi ngoài trời.
Chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động được triển khai thực hiện đã mang đến sự mở rộng, phong phú và đa dạng hơn về nội dung. Trẻ các độ tuổi được tiếp xúc, làm quen với nhiều hoạt động mới mẻ, phù hợp, được vận động trong điều kiện cơ sở vật chất hoàn thiện hơn. Trẻ nhóm tuổi 24-36 tháng được tập các động tác phát triển cơ, hô hấp và một số bài vận động cơ bản như: bò, trườn, chạy, bắt, ném… Trẻ mẫu giáo, ngoài các nội dung vận động này còn được rèn luyện và tham gia các bài tập nâng cao, hệ thống các bài tập vận động giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn, khéo léo, khỏe mạnh, tăng cường tính độc lập. Các hoạt động vận động cho trẻ được thực hiện theo đúng cấu trúc, nội dung và cách thức tiến hành tiết học thể dục cho trẻ trong chương trình giáo dục chung. Đồng thời, trẻ được tham gia nhiều hơn với các hoạt động đúng độ tuổi do các hoạt động phức hợp khác mang lại. Tại các lớp học, đã có sự sắp xếp các góc chơi hợp lý, tạo khoảng không gian rộng rãi, an toàn cho trẻ tự do vận động, được bổ sung các loại đồ chơi tự tạo phong phú về chủng loại, chất liệu hỗ trợ phát triển các nhóm cơ nhỏ cho trẻ.
Nhà trường đã được đầu tư xây dựng phòng giáo dục phát triển thể chất, có đầy đủ các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ phát triển vận động. Hệ thống thiết bị, đồ chơi ngoài trời và trong các nhóm lớp cũng được tăng cường. Thành công của giáo dục phát triển vận động là giúp trẻ từng bước hình thành thói quen vận động cần thiết, có lợi cho sức khỏe ngay từ những năm đầu đời…
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”
Trường mẫu giáo Họa Mi triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020. nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ năm học 2017-2018 với nhiều hoạt động như xây dựng môi trường bên trong, bên ngoài lớp học bằng các hình thức thi làm đồ dùng đồ chơi, thi xây dựng môi trường điểm về lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức tiết dạy mẫu điểm chuyên đề.
Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non là một quan điểm giáo dục tiến bộ về vị trí của trẻ em và vai trò của giáo viên. Quan điểm này định hướng cho giáo viên mầm non trong việc xây dựng, sử dụng hiệu quả môi trường giáo dục, lập kế hoạch giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ trong trường mầm non.
Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là việc giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách thụ động mà cần tạo ra các điều kiện, các cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. Để đạt được điều này giáo viên cần nắm được hứng thú, nhu cầu, trình độ, khả năng của từng trẻ trong lớp, trên cơ sở đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ. Căn cứ vào tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, Trường MG Họa Mi đã tổ chức đánh giá trực tiếp tại tất cả các nhóm lớp tham gia dự thi.
Tiết học làm quen với toán của lớp lá 1
Một số tiết dự thi giáo viên dạy giỏi
Xác định được tầm quan trọng trong việc tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ ở trường mầm non. Chơi là một hoạt động tự nhiên trong cuộc sống. Vì vậy, cô giáo đã tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ học bằng chơi theo cách lấy trẻ làm trung tâm. Qua vui chơi đã tạo điều kiện cho trẻ hoạt động tích cực, mạnh dạn, hồn nhiên, tự tin và hứng thú, dám thể hiện “cái tôi” của mình, bước đầu đặt nền tảng cho việc đào tạo nên những con người dám nghĩ, dám làm trong tương lai. Với sự nỗ lực hết mình, cô giáo sưu tầm và tận dụng tối đa những loại nguyên vật liệu sẵn có, nguyên vật liệu phế thải như: Hộp sữa, len, vải, vỏ sò, vỏ ốc, ống hút, chai nhựa, xốp màu, hột hạt… Từ những vật liệu này, vận dụng sự sáng tạo của mình các cô đã trang trí thật nhiều góc chơi cho trẻ, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương, không gian hoạt động thân thiện phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp với tên gọi của từng góc chơi để từ đó thu hút được sự hứng thú của trẻ trong quá trình học tập, vui chơi. . Với mục đích tạo cơ hội cho trẻ được nghe nhạc, chơi nhạc cụ, thử nghiệm với âm thanh, tự sáng tạo và sử dụng trí tưởng tượng giáo viên đã tổ chức cho trẻ được chơi ở góc nghệ thuật âm nhạc.
Sau đây là một số hình ảnh giáo viên làm đồ dùng đồ chơi phụ vụ các hoạt động chơi cho trẻ
Đến với môi trường trong các lớp ta dễ dàng nhận thấy với sự nỗ lực nghiên cứu và học hỏi, môi trường bên trong lớp học của cô có nhiều thay đổi: Đồ dùng đồ chơi phong phú hơn, các góc được xây dựng theo hướng mở, đồ dùng được sắp xếp thuận tiện, an toàn cho trẻ dễ lấy dễ sử dụng, sản phẩm của trẻ phong phú và đẹp hơn, màu sắc sinh động và ngộ nghĩnh. Môi trường có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ; Việc thiết kế các góc hoạt động trong lớp cô luôn chú ý: Bố trí góc hoạt động yên tĩnh bố trí xa góc hoạt động ồn ào, góc thư viện/sử dụng sách, tranh ở nơi nhiều ánh sáng… Giữa các góc hoạt động có “ranh giới” rõ ràng, có lối đi cho trẻ di chuyển thuận tiện khi liên kết giữa các góc chơi. Sắp xếp các góc rất hợp lý giúp giáo viên có thể dễ dàng quan sát, giám sát được toàn bộ hoạt động của trẻ.Tên, ký hiệu các góc đơn giản, gần gũi với trẻ, được viết theo đúng quy định mẫu chữ hiện hành. Các góc được cô bố trí ở trong phòng bày biện hấp dẫn, có đồ chơi, học liệu và phương tiện đặc trưng cho từng góc. Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu, học liệu có giá đựng ngăn nắp, gọn gàng, để ở nơi trẻ dễ thấy, dễ lấy, dễ dùng, dễ cất. Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu được thay đổi và bổ sung phù hợp với mục tiêu chủ đề, hoạt động và hứng thú của trẻ. Có nguyên vật liệu mang tính mở (lá cây, dây buộc, hột hạt…), sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm chưa hoàn thiện… Có sản phẩm mua sẵn, sản phẩm cô và trẻ tự làm như: “sách toán, rối mẹt, bộ cờ hình học toán” với nhiều nội dung phong phú, hay các loại chuông gió phát ra những âm thanh khác nhau được cô giáo tận dụng những đoạn lồ ô, vỏ sò để tạo nên sản phẩm cho trẻ chơi và học. Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu an toàn, vệ sinh, phù hợp với thể chất và tâm lí của trẻ mầm non.
Một số hình ảnh về môi trường trong lớp học và đồ dùng đồ chơi do giáo viên tự làm